Giai đoạn năm 1964 - 1965,ườngTHPTChuyênPhanBộiChâuhơnnửathếkỷchuyểnmì cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang ở giai đoạn khó khăn, ác liệt. Trong tình thế ấy, Đảng và Nhà nước vẫn xem việc đào tạo nhân tài, chuẩn bị nguồn lực cho tương lai là nhiệm vụ cấp bách. Tháng 9/1965, Chính phủ đã ra quyết định 198/CP, yêu cầu ngành giáo dục mở những lớp bồi dưỡng cho các học sinh có năng khiếu ở cấp 3.
Lúc này, Nghệ An đang nằm trong vùng trọng điểm đánh phá của không quân, hải quân Mỹ. Tuy hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn, đầu năm học 1965 - 1966, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã chỉ thị cho Ty Giáo dục (nay là Sở GD-ĐT Nghệ An) mở các lớp chuyên Toán đặc biệt ở một số trường cấp 3.
Học sinh các lớp năng khiếu về Toán này cũng được cấp chế độ như công nhân, viên chức nhà nước. Các lớp chuyên sẽ học ở một trường cấp 3 nào đó, có thầy giáo dạy môn chuyên riêng. Các môn học còn lại do giáo viên trường sở tại đảm nhiệm và mọi hoạt động đều do trường sở tại quản lý.
Cô Cao Thị Lan Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, cho hay suốt 10 năm sau đó là giai đoạn khó khăn nhất, cũng là giai đoạn đặt nền móng cho sự hình thành của Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu sau này.
Hai lớp chuyên Toán “đặc biệt” đầu tiên bao gồm những học sinh được tuyển chọn từ kỳ thi chọn học sinh giỏi Toán cấp huyện. Các lớp này được gửi vào học Trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng (lúc này đang sơ tán về xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên), do thầy Phạm San làm chủ nhiệm và Trường cấp 3 Đô Lương 1 do thầy Trần Lê Thận, thầy Nguyễn Tiến Lệ dạy Toán và chủ nhiệm.
4 năm sau đó, Ty Giáo dục Nghệ An lại tiếp tục mở thêm lớp chuyên Văn đặt ở Trường cấp 3 Đô Lương I.
Ra đời trong bom đạn chiến tranh, để bảo đảm an toàn cho thầy và trò, các lớp học chuyên Toán, chuyên Văn “đặc biệt” ấy phải dịch chuyển qua nhiều địa điểm, từ Hưng Nguyên, Thanh Chương, Đô Lương đến Nghi Lộc…
Trong tâm trí của Nhà giáo Ưu tú Đinh Văn Thông, Hiệu trưởng đầu tiên của nhà trường, đó là những ngày tháng không thể nào quên khi thầy trò phải miệt mài vừa dạy học, vừa tự tay xây dựng trường lớp. Ngoài các giờ học, thầy trò phải cùng nhau đi chặt phi lao về làm cột, kèo dựng lán, chẻ nứa làm phên, nhồi rơm lẫn bùn để trát vách.
Khó khăn, đói nghèo triền miên, nhưng cả thầy và trò vẫn vượt lên tất cả để dạy và học trong những lớp học đơn sơ và tạm bợ.
Cô Cao Thị Lan Thanh ví Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu bây giờ là một ngôi nhà vững chãi, còn các lớp chuyên Toán, chuyên Văn đầu tiên đó là “những viên gạch hồng” đặt nền móng vững chắc cho ngôi nhà này.
“Chính nghị lực vượt lên mọi khó khăn gian khổ, lòng ham mê học hỏi, yêu thương, đùm bọc nhau trong những lúc khó khăn của thế hệ thầy trò thời đó là ngọn lửa để thầy trò ngày nay phát huy, nối tiếp”, cô Lan Thanh nói.
Đến ngày 15/10/1974, “Trường cấp 3 nội trú bồi dưỡng học sinh có năng khiếu”, tiền thân của Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu chính thức được thành lập. Nghệ An cũng trở thành tỉnh có trường chuyên đầu tiên của miền Bắc - loại hình trường học có nhiệm vụ trên cơ sở giáo dục toàn diện, phát hiện và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu, tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
Tính đến nay, tròn 50 năm thành lập trường và 60 năm hệ chuyên, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu đã trải qua nhiều lần di chuyển. Từ xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, trường chuyển về xã Hưng Lộc, thành phố Vinh (1977 - 1981) và từ năm 1981 đến nay là ở tại số 119 Lê Hồng Phong, thành phố Vinh.
Nhiều thế hệ học trò từ ngôi trường này đã nỗ lực phấn đấu, đến nay giữ những cương vị quan trọng trên nhiều lĩnh vực như: ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; ông Đoàn Thọ Nam - Vụ trưởng Vụ Đông Âu, Đại sứ Việt Nam tại Lào; TS Hà Lê - Anh hùng Lao động, Nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An; TS Thái Minh Tần - Anh hùng Lao động, Nguyên Tổng Giám đốc VTC; PGS.TS Thái Bá Cần, Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM; Thiếu tướng Lê Đình Hùng, Nguyên Hiệu trưởng Trường Sỹ quan Thông tin; Thiếu tướng Nguyễn Trọng Nhưỡng, Nguyên Cục trưởng Cục Xăng dầu;...
Ngoài ra, cũng có nhiều gia đình nhà giáo với nhiều thế hệ đều cống hiến trọn đời cho trường Phan. Thầy Đinh Văn Thông - Hiệu trưởng đầu tiên của trường Phan và con gái của thầy là cô giáo Đinh Thị Lệ Thanh, cũng là Hiệu trưởng trường Phan. Thầy Trần Hữu Dinh - nguyên Phó Hiệu trưởng cũng có con gái là cô giáo Trần Thị Minh Nguyệt - giáo viên tiếng Nga trường Phan.
Gia đình họ Phan quê lúa Yên Thành có lẽ là một gia đình của Phan khi có 3 anh em ruột đều là giáo viên trường Phan, gồm thầy Phan Huy Huyền, thầy Phan Huy Tuấn, thầy Phan Huy Tĩnh và các con, các cháu đều là học sinh trường Phan. Hai anh em thầy Nguyễn Hoàng Hỷ, Nguyễn Hoàng Thảo đều là cựu giáo viên trường Phan...
Cũng trong suốt thời gian qua, quy mô trường lớp vẫn không ngừng mở rộng. Để đáp ứng yêu cầu giáo dục trong thời kỳ hội nhập, ngoài các môn chuyên truyền thống là Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Nga, Tiếng Anh, Tiếng Nhật, từ năm học 2024 – 2025, nhà trường mở thêm môn chuyên Tiếng Trung. Hiện nay, hàng năm, trường có 45 lớp với quy mô hơn 1.500 học sinh.
Với tinh thần “Phát huy truyền thống - Bản lĩnh tiên phong - Chinh phục đỉnh cao”, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu luôn nỗ lực tiên phong xây dựng môi trường giáo dục mở, kết hợp giữa đào tạo mũi nhọn và toàn diện, linh hoạt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng; là nơi phát hiện và nuôi dưỡng tiềm năng của học sinh, kết nối tri thức và làm rạng danh đất học xứ Nghệ.
Theo cô Lan Thanh, nhà trường luôn trân trọng từng trăn trở của mỗi thầy cô giáo để mong có được những sáng kiến, giải pháp, sáng tạo phục vụ cho dạy và học. Trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, nhà trường định hướng tiếp tục xây dựng môi trường toàn diện, vừa truyền thụ kiến thức, vừa cung cấp nhận thức và giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh.
Trường cũng chú trọng phát hiện và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu trên nền tảng giáo dục toàn diện đại trà, chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho các em trở thành công dân toàn cầu.
“Quan trọng nhất, nhà trường tập trung đổi mới cách dạy học như thế nào để bảo đảm chất lượng đầu ra của trường đáp ứng chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế, xã hội của quê hương, đất nước”, cô Cao Thị Lan Thanh nói.
Với vai trò quan trọng việc phát triển giáo dục chất lượng cao của tỉnh Nghệ An nói riêng, vùng Bắc Trung Bộ nói chung, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An thành trung tâm kinh tế, văn hoá vùng Bắc Trung Bộ, trong đó có đề án “Xây dựng Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu thành trường trọng điểm chất lượng cao”. Địa điểm xây dựng mới Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu được đặt tại xã Nghi Ân, thành phố Vinh và xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, với tổng diện tích hơn 85.000m2.
Trải qua quá trình 60 năm phát triển, các thế hệ học sinh của Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu đã gặt hái nhiều thành tích xuất sắc, làm rạng danh mái trường mang tên nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu.
Từ năm học 2014 - 2015 đến nay, nhà trường đạt nhiều kết quả cao về thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi với 42 lượt học sinh dự thi khu vực và quốc tế ở tất cả các môn tự nhiên, trong đó có 10 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc, 9 Huy chương Đồng và gần 900 học sinh giỏi quốc gia.
Nhà trường được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (1994), Huân chương Lao động hạng Nhì (1999), Huân chương Lao động hạng Nhất (2004), Huân chương Độc lập hạng Ba (2009) và năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 50 năm hệ chuyên, 40 năm trường chuyên, Nhà trường vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động.
Ngôi trường cấp 3 ở Thanh Hóa được trả lại tên sau 32 năm bị nhầm lẫnSau 32 năm bị nhầm lẫn, Trường THPT Hoàng Lệ Kha, thị trấn Hà Trung (Thanh Hóa) mới được trả lại đúng tên khiến nhiều thế hệ học trò xúc động.